Lịch sử Tchad

Bài chi tiết: Lịch sử Tchad

Vào thiên niên kỷ thứ 7 TCN, các điều kiện sinh thái học tại nửa phía bắc của lãnh thổ Tchad tạo thuận lợi cho loài người định cư và khu vực này trải qua gia tăng dân số mạnh. Một vài trong số các di chỉ khảo cổ học quan trọng nhất tại châu Phi được phát hiện tại Tchad, chủ yếu tại khu vực Borkou-Ennedi-Tibesti Region; Một số có niên đại sớm hơn 2000 TCN.[5][6]

Trong hơn 2.000 năm, bồn địa Tchad là nơi cư trú của các dân tộc nông nghiệp và định cư, trở thành một nơi gặp gỡ của các nền văn minh, lớn nhất trong đó là văn minh Sao truyền thuyết với các đồ tạo tác và lịch sử truyền khẩu. Sao sụp đổ trước Đế quốc Kanem,[7][8] đây là đế quốc đầu tiên và kéo dài nhất trong số các đế quốc phát triển tại dải Sahel thuộc Tchad vào cuối thiên niên kỷ thứ 1 CN. Sức mạnh của Kanem và các quốc gia kế thừa nó dựa trên quyền kiểm soát các tuyến đường mậu dịch Xuyên Sahara đi qua khu vực.[6] Các quốc gia này, ít nhất mặc nhận là người Hồi giáo, chưa từng mở rộng quyền kiểm soát của họ xuống các thảo nguyên phương nam ngoại trừ việc đột kích để bắt nô lệ.[9] Trong Kanem, khoảng một pha dân số là nô lệ.[10]

Nhóm các chiến binh Kanem-Bu. Đế quốc Kanem-Bornu kiểm soát hầu hết lãnh thổ nay thuộc Tchad.Một binh sĩ người Tchad chiến đấu cho Pháp quốc tự do trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Lực lượng này gồm có 15.000 binh sĩ đến từ Tchad, trong đó có tổng thống tương lai François Tombalbaye.[11]

Pháp mở rộng thuộc địa dẫn đến việc hình thành "Lãnh thổ quân sự quốc gia và xứ bảo hộ Tchad" năm 1900. Đến năm 1920, Pháp giành được quyền kiểm soát toàn bộ thuộc địa và hợp nhất nó vào Xích đạo Phi châu thuộc Pháp.[12] Sự cai trị của Pháp tại Tchad có đặc trưng là thiếu các chính sách nhằm thống nhất lãnh thổ và hiện đại hóa chậm chạp so với các thuộc địa khác của Pháp.[13]

Pháp chủ yếu xem thuộc địa là một nguồn không quan trọng về lao động chưa qua đào tạo và bông thô; Pháp đưa đến sản xuất bông quy mô lớn vào năm 1929. Chính quyền thuộc địa tại Tchad thiếu nhân lực trầm trọng và phải dựa vào các công vụ viên tồi người Pháp. Người Pháp chỉ quản lý hiệu quả với người Sara ở phía nam; còn sự hiện diện của họ đối với các khu vực phía bắc và phía đông theo Hồi giáo chỉ là trên danh nghĩa. Hệ thống giáo dục chịu ảnh hưởng từ sự bỏ bê này.[6][13]

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp trao cho Tchad địa vị lãnh thổ hải ngoại và các cư dân Tchad được trao quyền bầu các đại diện tại Quốc hội Pháp và một hội đồng lập pháp của lãnh thổ. Chính đảng lớn nhất là Đảng Tiến bộ Tchad (PPT), có cơ sở tại nửa phía nam của thuộc địa. Tchad giành được độc lập vào ngày 11 tháng 8 năm 1960, lãnh đạo của PPT là một người Sara tên François Tombalbaye trở thành tổng thống đầu tiên.[6][14][15]

Hai năm sau, François Tombalbaye cấm các chính đảng đối lập và thiết lập một hệ thống độc đảng. Quyền lực độc đoán của François Tombalbaye và cách quản lý tồi không nhạy cảm làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa các dân tộc. Năm 1965, những người Hồi giáo bắt đầu tiến hành một cuộc nội chiến. François Tombalbaye bị lật đổ và sát hại vào năm 1975,[16] song nội loạn vẫn tiếp tục. Năm 1979, các phe phái phiến quân đánh chiếm thủ đô và toàn bộ chính quyền trung ương Tchad sụp đổ. Các phe nhóm vũ trang tranh giành quyền lực, nhiều trong số đó bắt nguồn từ cuộc nổi dậy ở phía bắc.[17][18]

Sự tan rã của Tchad khiến vị thế của Pháp tại quốc gia này suy sụp. Libya hành động để lấp đầy khoảng trống quyền lực và trở thành một thành phần trong nội chiến tại Tchad.[19] Cuộc phiêu lưu của Libya kết thúc trong thất bại vào năm 1987; khi tổng thống thân Pháp Hissène Habré thu thập được một phản ứng thống nhất chưa từng thấy từ những người Tchad[20] và buộc quân Libya triệt thoái khỏi lãnh thổ Tchad.[21]

Hissène Habré củng cố chế độ độc tài của mình thông qua một hệ thống quyền lực dựa trên tham nhũng và bạo lực với hàng nghìn người được ước tính là đã bị giết dưới sự cai trị của ông.[22][23] Vị tổng thống này ưu đãi dân tộc Daza của ông và phân biệt đối xử với các cựu đồng minh là người Zaghawa. Hissène Habré bị tướng dưới quyền là Idriss Déby lật đổ vào năm 1990.[24] Các nỗ lực nhằm truy tố Hissène Habré dẫn đến việc người này bị quản thúc tại gia tại Sénégal vào năm 2005; và vào năm 2013 thì chính thức bị buộc tội phạm tội ác chiến tranh trong thời gian cai trị.[25]

Idriss Déby cố gắng hòa giải các nhóm phiến quân và khởi đầu lại chính trị đa đảng. Người dân Tchad chấp thuận một hiến pháp mới bằng trưng cầu dân ý, và đến năm 1996, Idriss Déby dễ dàng giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử tổng thống cạnh tranh. Ông chiến thắng cho nhiệm kỳ thứ nhì vào 5 năm sau đó.[26] Khai thác dầu bắt đầu tại Tchad vào năm 2003, đem đến hy vọng rằng Tchad cuối cùng có một số cơ hội tiến đến hòa bình và thịnh vượng. Tuy nhiên, bất đồng nội bộ trở nên tồi tệ hơn, và một cuộc nội chiến mới bùng nổ. Idriss Déby đơn phương sửa đổi hiến pháp để loại bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ của chức tổng thống; điều này gây náo động trong xã hội dân cư và các đảng đối lập.[27]

Năm 2006, Idriss Déby giành thắng lợi cho nhiệm kỳ tổng thống thứ ba, song cuộc bầu cử bị phe đối lập tẩy chay. Bạo lực sắc tộc tại đông bộ Tchad tăng lên, Cao ủy Liên Hiệp Quốc cảnh báo một cuộc diệt chủng giống như tại Darfur có thể xáy ra tại Tchad.[28] Năm 2006 và 2008, các lực lượng phiến quân từng nỗ lực chiếm thủ đô bằng vũ lực, song cả hai lần họ đều thất bại.[29] Một hiệp định về khôi phục hòa hợp giữa Tchad và Sudan được ký vào năm 2010 đã đánh dấu chấm dứt cuộc chiến 5 năm giữa hai bên.[30] Việc hàn gắn quan hệ khiến những phiến quân Tchad trở về tổ quốc từ Sudan, mở cửa biên giới giữa hai quốc gia sau 7 năm đóng cửa, và triển khai một lực lượng chung để bảo vệ biên giới. Vào tháng 5 năm 2013, các lực lượng an ninh tại Tchad làm thất bại một cuộc đảo chính chống Tổng thống Idriss Déby.[31]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tchad http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F003471.php http://www.unhchr.ch/tbs/doc.nsf/0/48f4be12f6c55e5... http://www.britannica.com/blackhistory/article-241... http://dierklange.com/pdf/fulltexts/UNESCO_III.pdf http://www.fifa.com/associations/association=cha/g... http://books.google.com/books?id=6of6GZ1nUPAC&pg=P... http://www.inseedtchad.com/IMG/pdf/rapport_resulta... http://www.mnodirectory.com/ame/Chad.htm http://www.ohada.com/index.php http://uk.reuters.com/article/2013/05/02/uk-chad-c...